Chọn 1 nghề để gắn bó, nhiều thanh niên người dân tộc Khmer tại ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình đã có sự phát triển vươn lên, xây dựng kinh tế gia đình ổn định. Trong đó có gương thanh niên người dân tộc Khmer Hữu Giang với mô hình trồng giá.
Giữ uy tín để đầu ra ổn định
Không đất sản xuất, thế nhưng nghề làm giá lại giúp anh Hữu Giang (sinh năm 1994) hiện ở ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình có thu nhập ổn định trong hơn 3 năm nay. Học nghề từ 1 người thân trong gia đình, anh thanh niên Khmer cùng gặp nhiều thất bại như giá hư, không đạt chất lượng trong 1 năm đầu thực hiện. Dần tích lũy kinh nghiệm, mô hình phát triển ổn định trên diện tích 10m2 được anh Giang dành riêng cho việc làm giá. Những thùng nhựa tròn xếp đều trên những thanh sắt, đảm bảo thoáng mát giúp mô hình sản xuất ra loại giá sạch bằng phương pháp thủ công. Thùng nhựa được anh mua về từ thành phố Hồ Chí Minh, cứ 1 thùng gia đình dùng khoảng 1,3 kg đậu xanh, ngâm nước vôi trong 8 tiếng để đậu nảy mầm. Trong thời gian làm giá, anh Giang và vợ cũng phải đảm bảo việc tưới nước mỗi ngày 4 đến 5 lần cho mỗi thùng, khoảng 5 ngày thì giá đủ lớn, có thể xuất bán. Hiện mỗi ngày anh Hữu Giang bỏ sỉ cho chợ phường 7 khoảng 300 ký sản phẩm với giá bán từ 7.500 đến 8.000 đồng/ký. Giá được làm thủ công, được anh rửa sạch trước khi giao, từ đó được bạn hàng ưa chuộng và đầu ra ổn định. Các thùng nhựa trồng giá đều được vệ sinh, phơi nắng đảm bảo khô ráo mới có thể trồng đợt giá mới.
Hàng trăm thùng nhựa trồng giá là cơ sở để tạo nguồn thu nhập cho gia đình anh Hữu Giang nhiều năm nay
Được biết nghề trồng giá hiện mang đến nguồn thu ổn định hơn 10 triệu đồng một tháng cho anh Giang. “Mấy năm trước khi mình đi bắt mối, thời điểm ban đầu giao để người ta bán thử vài ngày để xem chất lượng giá. Khi thấy đạt yêu cầu, bạn hàng tin tưởng người ta mới làm ăn lâu dài với mình. Nghề này ổn định cũng nhờ có đầu ra, mình phải đảm bảo các khâu để giá đảm bảo chất lượng mới làm ăn lâu dài được”, anh Giang chia sẻ.
Anh Hữu Giang sử dụng thảm cói để trồng giá, thảm được vệ sinh và phơi sau mỗi đợt sử dụng
Mong muốn mở rộng mô hình
Ít ai biết được rằng năm đầu sản xuất, khi gặp những yếu tố như mưa trái mùa, trời trở gió, anh Giang cũng thất bại nhiều lần. Tự tìm tòi rút kinh nghiệm, anh xây dựng khu vực trồng giá riêng, hạn chế người ra vào. Đồng thời nhà trồng giá cũng đảm bảo nhiệt độ, hạn chế nắng chiếu trực tiếp, giúp giá sinh trưởng tốt hơn. Từ hiệu quả thực tế, anh Giang cũng định hướng tiếp tục mở rộng để phát triển kinh tế gia đình. Dự kiến để chuẩn bị cho tết Nguyên đán sắp tới, anh sẽ đặt mua thêm 100 thùng nhựa, giá khoảng 95.000 đồng 1 thùng để mở rộng khu vực sản xuất, lắp đặt thêm hệ thống trụ đỡ để giá luôn được trồng trong môi trường sạch sẽ. “Định hướng tới mình cũng sẽ mở rộng mô hình cho lớn hơn, tìm thêm thị trường để có thể tăng thêm thu nhập cho gia đình. Mong muốn thông qua hệ thống của Đoàn, Hội thanh niên có thể quảng bá sản phẩm, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển hơn nghề làm giá”, anh Giang chia sẻ.
Giá được rửa sạch trước khi giao cho các mối sỉ tại chợ phường 7, tp. Cà Mau
Anh Dương Phong Phú, Phó Bí thư xã đoàn Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình cho biết khi thanh niên bắt tay vào sản xuất, mở các mô hình mới, xã đoàn luôn có sự quan tâm để kịp thời hỗ trợ. “Trước tiên là mình đến tận gia đình các bạn để đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển của đoàn viên. Đặc biệt là giúp đỡ mô hình tiếp cận những nguồn vốn vay để có thể mở rộng phát triển”. Anh Phú cũng cho biết đây cũng là một trong những mô hình đoàn viên, thanh niên người đồng bào dân tộc Khmer đạt hiệu quả tại địa bàn. Thời gian qua những bạn có đam mê lập nghiệp khi có sự hỗ trợ của xã đoàn sẽ có thêm điều kiện để vươn lên, khẳng định được bản thân. “Xã đoàn luôn đồng hành với các mô hình hiệu quả, mục tiêu nhân rộng trong đoàn viên thanh niên, đây cũng là biện pháp để đoàn kết, tập hợp thanh niên tại địa bàn”, anh Phú cho biết thêm.
Trịnh Hải
Đài TH-TH Cà Mau