Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2023)

Hoạt động Đoàn

Mỗi tháng thu chục triệu đồng từ thời gian nhàn rỗi

Thời gian nhàn rỗi, lướt những trang mạng và có cảm tình với các dòng cá cảnh dễ nuôi, anh Trần Vĩnh Khang, thanh niên ấp Giao Vàm, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời thử nghiệm với 10 cặp giống cá betta với những dòng cá khác nhau. 5 tháng tìm tòi, người thanh niên đã tìm ra hướng đi mới bên cạnh vuông tôm đang cho thu nhập ổn định.

Từ 10 cặp ban đầu, anh Khang đã đầu tư thêm và mở rộng, đến nay có hơn 1000 cá thể tới thời điểm xuất bán

Bắt đầu từ đam mê

Ban đầu từ đam mê, anh Trần Vĩnh Khang đặt mua 10 cặp cá cảnh giống để ngắm và tự mày mò nghiên cứu cách nuôi, chăm sóc cá sinh sản, thức ăn và môi trường phát triển của cá. Dần dần người thanh niên lại thấy gắn bó và muốn tìm hiểu kỹ hơn về các loại cá cảnh nhất là giống betta với nhiều dòng, nhiều màu sắc, chủng loại khác nhau. Nghĩ là làm, anh Khang quyết định mở rộng mô hình, từ đam mê gắn với phát triển kinh tế gia đình. Bí quyết ban đầu của anh Khang chính là luôn đảm bảo chất lượng nước, thức ăn cho cá phù hợp với các giai đoạn phát triển. “Thời điểm ban đầu khi cá còn nhỏ cho ăn artermia, đến khi cá được 10 ngày thì cho ăn bo bo. Nguồn bo bo này cũng được mình học hỏi và làm hồ, tự nuôi để cung cấp cho cá. Khi cá lớn hơn 20 ngày thì có thể mua trùng chỉ băm nhuyễn, nếu không thì mua cám Thái để cung cấp cho cá. Thức ăn phải đảm bảo đủ, đúng thời điểm mới có thể giúp cá phát triển, lên màu đẹp và có nhiều giá trị trên thị trường”. Một bí quyết được anh Khang bộc bạch trong thời gian nuôi chính là tận dụng lá bàng để nấu nước, tạo môi trường có hệ vi sinh cho cá phát triển, khỏe mạnh.

Anh Khang dự định xây dựng mô hình trang trại, trước mắt dùng cao su, tràm làm hệ thống 49 hồ nuôi cá

Vừa nuôi vừa tiếp thu những kinh nghiệm, kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, đến nay anh Khang đã dần mở rộng mô hình. Anh đã học được cách ép cá, chăm sóc cá con, mỗi đợt cứ 3 tháng là cá có thể xuất bán. Chỉ sau 5 tháng tìm hiểu, thử nghiệm mô hình mới, hiện anh Khang đang sở hữu hơn 1000 chậu cá đến thời điểm xuất bán. Ngoài ra, anh còn dành phần đất hơn 1500m2  để dựng 49 hồ nuôi, mỗi hồ hơn 1000 cá thể cá con nhiều độ tuổi phát triển. Định hướng sắp tới của người thanh niên chính là mở rộng mô hình, phát triển thành trang trại để có thu nhập ổn gắn với đam mê cá cảnh.

Đánh giá về định hướng phát triển của anh Trần Vĩnh Khang, ông Nhan Văn Dũng, Trưởng ấp Giao Vàm, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời cho biết đây là một mô hình mới, phát huy được vai trò tiên phong trong xây dựng kinh tế gia đình của đoàn viên, thanh niên tại địa bàn. Đặc biệt từ mô hình hiệu quả sẽ là điển hình để người dân tại địa bàn học hỏi, chủ động tìm những cách làm phù hợp để tận dụng thời gian nhàn rỗi để tạo nguồn thu nhập, vươn lên.

Hướng mới từ con cá cảnh

Định hướng đam mê và mong muốn mở rộng mô hình, đến nay anh Khang đã đầu tư gần 100 triệu đồng cho cá giống, hệ thống hồ, bể, thức ăn… “Để tăng sức cạnh tranh một trong những yếu tố quan trọng chính là chọn nguồn cá giống đầu vào. Nhất giống nhì phân, mình cần lựa màu, vảy, kỳ, đuôi cá đẹp là một lợi thế để cá con đẹp, có giá trị trên thị trường. Ngoài ra trong thời gian nuôi, khi đã phát triển đến hàng chục ngàn cá thể, mình phải tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ các anh em có cùng đam mê”, anh Khang chia sẻ. Một trong những cách anh áp dụng chính là tham gia vào các diễn đàn trên các trang mạng xã hội. Khi có vấn đề gì liên quan có thể tìm hiểu từ những người cùng đam mê. Đồng thời đây cũng là kênh để anh bán cá cảnh tới nhiều thị trường. “Hiện đầu ra của mình tập trung ở các cửa hàng, mua bán online và bán lẻ. Trong khoảng 1 tháng đầu có sản phẩm ra thị trường, tổng nguồn lợi nhuận thu về là khoảng 20 triệu đồng, cá đi xa nhất là đến Hà Nội”, anh Khang cho biết thêm.

Mỗi cá thể cá cảnh đến thời điểm xuất bán lại mang kiểu dáng, màu sắc khác nhau nên giá cá cũng tùy thị trường và thị hiếu người nuôi

Ngoài ra, nuôi cá cảnh tạo thu nhập cũng là cách anh Khang tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi khi làm nông. “Đối với cá nhỏ ngày cho ăn ba cử, cá lớn thì hai cử sáng chiều. Riêng nước thì hồ trung bình khoảng 1 tuần mình thay 1 lần tỉ lệ 30 – 50%. Do đó có thể vừa làm vuông vừa phát triển mô hình”. Định hướng sắp tới của anh là tiếp tục mở rộng, đầu tư để hoàn thiện hệ thống hồ nuôi, tạo thành mô hình trang trại để vừa phát triển, đồng thời cung cấp giống, chia sẻ kinh nghiệm cho người có cùng đam mê, sở thích.

Thu nhập trong tháng đầu khi khởi nghiệp với cá cảnh mang đến cho anh Khang hơn 20 triệu đồng

Đến tham quan mô hình, chị Trịnh Hoài Mộng, Bí thư xã đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời cho biết khi tìm hiểu về định hướng phát triển của anh Khang, Đoàn – Hội cũng có những sự hỗ trợ cụ thể, thiết thực để trợ giúp anh trong giai đoạn bước đầu khởi nghiệp. “Xã đoàn Lợi An đã kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trần Văn Thời lập hồ sơ để anh Khang tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm 50 triệu đồng. Từ đây sẽ giúp cải tạo, củng cố, nhân rộng mô hình. Đồng thời cũng định hướng cho đoàn viên, thanh niên đến tham quan, học tập để phát triển kinh tế gia đình”.

Trịnh Hải – CTV

Tin khác