Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (15/10/1956 - 15/10/2023)

Hoạt động Đoàn

THỦ LĨNH THANH NIÊN “BÉN DUYÊN” VỚI ƯƠNG SÒ HUYẾT

7 năm phát triển mô hình nuôi sò huyết thương phẩm, anh Nguyễn Tuấn Dủ, hiện là Bí thư Xã đoàn Thanh Tùng nhận ra nhu cầu  sò giống của các hộ nuôi. Tìm một hướng đi mới, anh bắt đầu học hỏi và hơn 1 năm nay, mô hình ương sò giống được anh Dủ thực hiện. Không chỉ cung cấp giống cho vuông nuôi tại gia đình, sò giống còn mamg nguồn thu hàng trăm triệu đồng cho người thủ lĩnh thanh niên dám nghĩ – dám làm.

Hiệu quả bước đầu từ ương sò huyết giống

“Ban đầu để nuôi sò huyết thường mình mua sò biển, tuy nhiên qua thời gian mình thấy nguồn này lại lẫn nhiều tạp chất nên độ hao hụt cao, bản thân cũng mạnh dạn tìm tòi học hỏi ở các tỉnh ngoài. Qua thời gian nuôi thử nghiệm từ nguồn sò ép được mua từ Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh, sò lớn nhanh, năng suất đảm bảo. Từ đó mình mạnh dạn nhân rộng bán cho bà con”. Đó là lí do mà anh Nguyễn Tuấn Dủ – Bí thư xã đoàn Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi thực hiện ương sò giống tại gia đình ở kinh Trưởng Đạo, ấp Hiệp Hòa Tây, xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi. Hơn 1 năm học hỏi, triển khai đến nay mô hình bước đầu đạt nhiều kết quả, thu nhập ổn định.

Ao bạt với diện tích 40 – 50m2 là nơi ương sò huyết giống

Sau khi mua về từ Cần Giờ về, sò giống được anh vèo trong 3 ao trải bạt tại gia đình. Anh cho biết điều kiện nuôi sò cũng khá đơn giản. Ao nuôi thường có diện tích từ 40 đến 50m2. Khi thả giống thi anh bơm nước thường xuyên, nguồn nước tự nhiên không qua xử lý được lấy từ vuông tôm của gia đình. Thời gian đầu sò không cần bổ sung thức ăn, khi được 7 ngày tuổi dùng phù sa từ nước sông 1 lớp bùn áo trên bạt, tạo thức ăn tự nhiên cho sò. Vừa làm – vừa học, anh cũng tiếp thu những kinh nghiệm từ các hộ sản xuất giống tại Cần Giờ, Bến Tre. Hiện nay khoảng 20 ngày anh Dủ sẽ đi lấy sò giống 1 lần, chi phí khoảng 50 triệu đồng. Cũng khoảng thời gian đó gia đình cũng xuất bán một đợt. Trung bình nếu sò đạt từ 70% đến 80% sẽ mang đến nguồn thu khoảng 50 đến 70 triệu đồng.

Đến tham quan mô hình của anh Dủ, Bí thư Huyện đoàn Đầm Dơi Châu Văn Dỹ cho biết đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và có khả năng nhân rộng tại huyện, góp phần kinh tế địa phương đặc biệt trong đoàn viên, thanh niên. “Lí do là vì hiện nay chất lượng sò huyết giống đã được cải thiện rất nhiều, điều kiện chăm sóc khá đơn giản, không cầu kỳ về quy trình, giá trị mang lại tương đối cho hộ nuôi, hiệu quả mô hình sò huyết tương đối lớn” – anh Dỹ cho biết thêm.

Sò cám 20 ngày sẽ được vèo vào các mùng đến 2 tháng sẽ thả vào vuông nuôi lớn

Nói về ưu điểm của sò được ương vèo anh Dủ cho biết việc chăm sóc tại chỗ, với nguồn nước, điều kiện ở địa phương sò bớt lẫn tạp chất, đạt năng suất khi nuôi. Anh Dủ cũng chia sẻ bí quyết: “khi mua sò cám (sò huyết còn nhỏ) đã được vèo trong ao bạt, bà con mang về gia đình có thể ươm trong mùng lưới khoảng 20 ngày. Sau đó thả sò ra mở rộng ra mùng từ 50 đến 100m2 để sò cứng cáp đến khi được khoảng 60 ngày sẽ thả ra ao nuôi. Lúc này thì hiệu quả đạt cao hơn, đảm bảo năng suất”. Ngoài ra, sò giống cũng được anh Dủ giá bán rẻ hơn so với khi bà con đi tìm nguồn từ địa phương khác.  

Tâm huyết của người thủ lĩnh thanh niên

Khi ương được sò giống, anh Dủ tiếp tục duy trì mô hình nuôi sò thương phẩm trên diện tích 3hecta đất của gia đình. Kinh nghiệm của người nông dân nuôi sò hơn 7 năm nay, để sò đạt năng suất, anh cho biết phải quan tâm đến môi trường nước, những diễn biến của thời tiết, có biện pháp xử lý rong cho khu vực nuôi sò thương phẩm. Nguồn nước cần xử lý, độ mặn 10 phần ngàn sẽ đảm bảo để sò phát triển. Năm 2022 gia đình lên được 4 tấn sò thương phẩm. Với giá bán tùy kích cỡ 80, 90 hoặc 100 con/ký, nguồn thu anh Dủ đạt được là 560 triệu đồng. Ấn tượng hơn khi trừ hết chi phí anh còn lời 500 triệu đồng.

Sò vèo theo 2 giai đoạn trước khi thả nuôi nên đạt tỉ lệ sống cao và năng suất

Với vai trò là một thủ lĩnh thanh niên của xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, anh Dủ chia sẻ hiện nay bản thân cùng Ban thường vụ xã đoàn luôn trăn trở về vấn đề đoàn viên rời quê hương đến nơi khác lập nghiệp. Nhận thấy điều kiện tự nhiên của huyện phù hợp với con sò huyết nên anh cũng thường xuyên hỗ trợ đoàn viên thanh niên cũng như bà con nhu cầu tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm và con giống. Hiện Quỹ lập nghiệp của xã đoàn Thanh Tùng được 30 triệu mỗi năm giải ngân cho 3 mô hình của đoàn viên thanh niên. Ngoài ra tận dụng quỹ lập nghiệp của Huyện đoàn cũng hỗ trợ từ 30 đến 40 triệu đồng để đoàn viên mở rộng duy trì mô hình. “Muốn giữ chân đoàn viên ở lại địa bàn cần xác định được nhiều mô hình kinh tế phù hợp, riêng xã Thanh Tùng đang nhân rộng nuôi sò huyết thương phẩm, vèo cua con trong đoàn viên thanh niên” – Anh Dủ chia sẻ.

Năm 2022 từ sò thương phẩm anh Dủ thu được nguồn lãi 500 triệu đồng

Nói về vấn đề tạo điều kiện để thanh niên ở lại địa phương, tận dụng lợi thế của quê hương, phát triển kinh tế gia đình, anh Châu Văn Dỹ, Bí thư Huyện đoàn Đầm Dơi cũng chia sẻ hiện nay có nhiều đoàn viên có mô hình phát triển kinh tế từ sự tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn đầu tư. Tiêu biểu như vèo sò huyết, cây cảnh, làm mắm cá… cho thấy được sức trẻ trong phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. “Với vai trò của Huyện đoàn, từ đầu nhiệm kỳ 2022 – 2027 Ban chấp hành đã xây dựng Nghị quyết với những chỉ tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, trong đó có chỉ tiêu xây dựng quỹ giúp nhau lập nghiệp hỗ trợ đoàn viên thanh niên có mô hình hiệu quả nhưng còn thiếu nguồn vốn. Hiện tại nguồn quỹ này gần 50 triệu đồng, tùy quy mô mô hình Ban thường vụ hỗ trợ từ 10 đến 20 triệu đồng/1 năm” – Anh Dỹ cho biết thêm.

Trịnh Hải

Tin khác